Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Huyền thoại chiếc xe 2 bánh Tohatsu



Một chiếc Tohatsu Runpet quảng cáo trong tạp chí ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 60.

Vào năm 1965 khi miền Nam Việt Nam bắt đầu nhập các loại xe 2 bánh nhật như Honda, Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Bridgestone nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển cá nhân thay cho những chiếc xe đạp. Một chiếc xe nhật loại thể thao mà tôi được biết qua bài đăng trong tạp chí Motorcycle Magazine: Tohatsu Sport CR. Và từ đó tôi mơ ước có ngày sẽ mua được một chiếc, nhưng chiến tranh tại VN bùng nổ lan rộng, niềm mơ ước thời thiếu niên đã xoá nhoà chỉ còn lại trong ký ức. Ngày nay với chút ít thu nhập kha khá, muốn tìm mua một chiếc Tohatsu thì được biết hảng mô-tô Tohatsu đã ngưng sản xuất từ lâu, chỉ còn lại những xe cổ. Mời các bạn đọc qua bài.
Sơ lược về Tohatsu トーハ ツ
 

Công ty Tokyo Hatsudoki được thành lập vào năm 1922 từ Viện Takata Motor Research Institute chuyên về việc chế tạo các loại toa xe chạy đường sắt, đặc biệt viện còn chuyên về việc nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm ở vận tốc cao, về máy phát điện xách tay, máy điều khiển vô tuyến, v.v. và đưa vào sản xuất ngay trong thập niên 30.

Tohatsu (gọi tắt từ Tokyo Hatsudoki Corporation) sản xuất và khuyến mãi các sản phẩm như động cơ tầu thủy, tầu du lịch, máy bơm nước cứu hoả, xe cứu hoả cở nhỏ, máy bơm nước dùng trong việc xây dựng và sản xuất nông nghiệp, máy đông lạnh dùng trong việc vận chuyển và mặt khác chuyên về việc điều hành và kinh doanh địa ốc ở Nhật Bản.

Photobucket
Một xe Tohatsu ASK 98cc sản xuất năm 1953.

Vào thập niên 40, Tohatsu đặt văn phòng tại Tokyo sau khi phát triển và khuếch trương các loại sản phẩm. Đến thập niên 50 sau Đệ Nhị Thế Chiến, Tohatsu bắt đầu sản xuất xe 2 bánh có động cơ nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển cá nhân cũng như các công ty Honda (chuyên về sản xuất các bộ phận cơ khí máy bay), Yamaha (chuyên về sản xuất các nhạc khí và nhạc cụ), Suzuki (chuyên sản xuất máy dệt, đặc biệt là máy dệt lụa), Kawasaki (chi nhánh cơ khí vận tải thuộc tập đoàn Kawasaki Heavy Industries)…

Photobucket
Xe Tohatsu 125cc LB2 Arrows vào thập niên 50.

Đến năm 1955, Tohatsu đã có những cơ sở và đại lý thiết lập ở các thành phố Fukuoka, Nagoya, Tokyo, Sendai và Sapporo. Những điểm bày bán sản phẩm Tohatsu được phát triển trên toàn nước Nhật. Tohatsu bắt đầu thiết kế các loại xe 2 bánh Tohatsu Runpet 50cc và Arrows 125cc và nhắm vào thị trường Hoa Kỳ.
 
Photobucket
Xe Tohatsu 125 TA Hurry vào cuối thập niên 50.

Photobucket
Một chiếc Tohatsu 125 LE trong quảng cáo ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 60.

Cũng như Soichiro Honda đã làm cuộc phiêu lưu vào thị trường quốc tế, Tohatsu bày bán những chiếc xe 2 bánh ra ngoài nước Nhật. Qua đầu thập niên 60, Tohatsu phát triển các đại lý khuyến mãi sản phẩm tại Hoa Kỳ mà trụ sở phân phối đặt tại Hap Jones Distributor Co. ở San Francisco và mời chào thị trường Hoa Kỳ với 3 kiểu xe 50cc Runpet cùng 4 kiểu xe 125cc Arrows - Tohatsu không có vận may như Soichiro Honda được một nhóm người mỹ linh động và hoạt bát trong việc khuyến mãi mà Jack McCormark điều hành công ty American Honda Motor và cũng vì Tohatsu thiếu phương tiện quảng cáo và hệ thống phân phối tồi tệ cũng như chiến lược kinh doanh thiếu kinh nghiệm đã dẫn đưa đến việc phá sản xe 2 bánh mang thương hiệu Tohatsu vào giửa thập niên 60.

Photobucket
Động cơ tầu do Tohatsu sản xuất dưới thương hiệu Tohatsu và Nissan.

Photobucket
Một vài kiểu máy bơm nước cứu hoả do Tohatsu sản xuất.

Ngày nay, Tohatsu chuyên về việc sản xuất các động cơ tầu hạng nhẹ, thuyền du lịch và câu cá tiêu khiển cùng với các thiết bị và xe cứu hoả cũng như máy bơm nước cứu hoả hạng nhẹ và xách tay.
 
Công nghệ xe 2 bánh Tohatsu

Photobucket
Một quảng cáo xe Tohatsu trong tạp chí ở Nhật Bản.

Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, Nhật Bản là quốc gia bại trận và bị tàn phá nặng nề do những trận ném bom nhằm vào các khu công nghiệp của Không Quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Nhật Bản vốn có một cơ sở và kinh nghiệm về công nghiệp cơ khí đã nhanh chóng phục hồi. Nhu cầu vận chuyển sau chiến tranh là những phương tiện đơn giản và hợp túi tiền - các cơ xưởng bắt tay vào việc chế tạo và sản xuất các kiểu xe đạp gắn động cơ như Honda, Yamaha, Suzuki… và Tohatsu không phải là trường hợp ngoại lệ.

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Một chiếc xe đạp TFL gắn động cơ Tohatsu.

Từ nhà chế tạo và sản xuất máy bơm nước, Tohatsu dùng khả năng sẵn có về cơ khí để chuyển biến chiếc máy bơm nước kiểu TFG 70cc thích hợp với chiếc xe đạp thông dụng bằng cách biến cải động cơ máy bơm thành bộ máy vận hành bánh phía sau của xe đạp, đặt bình xăng lên sườn xe, các dây cáp điều khiển máy, lắp ống hảm thanh và giàn bệ máy gắn vào khung xe đạp - gọi là «TFL-Type», bộ máy và các cơ phận được bán ra thị trường cho người tiêu thụ hoặc các đại lý bán xe đạp tự lắp ráp lên những chiếc xe đạp.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Chi tiết về xe đạp gắn máy TFL do Tohatsu sản xuất trong đầu thập niên 50.

Năm 1950, Tohatsu ra mắt chiếc xe đạp gắn máy TFL mà nhà chế tạo xe đạp thiết kế bộ khung xe thích ứng với bộ máy TFL của Tohatsu. Một kiểu xe đạp gắn máy khác với động cơ 60cc được đặt tên là TFM.
 
Năm 1951, kiểu xe máy 2 bánh thật sự do Tohatsu sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường lúc đó mà người tiêu thụ muốn sử dụng chiếc xe máy thật sự với tên gọi của nó, một cổ máy được chế tạo thích ứng cho xe mô-tô - «TFP-Type», động cơ 2-thì 98cc - với hộp số gồm 2 số và cần đạp vận hành máy, công nhân nhà máy Tohatsu đặt tên cho chiếc xe 2 bánh nầy là «Tohatsu Bumble Bee» hoặc là Bumblebee, xuất phát từ tên gọi một xe ô-tô sang trọng vào thời điểm ấy, Bumble Bee.

Photobucket
Một chiếc Tohatsu 125 PK56A sản xuất năm 1956.

Tại nhà máy Okaya vào năm 1953-1954, Tohatsu bắt tay vào việc sản xuất các kiểu xe 2 bánh - type TRF «Puppy» là một kiểu xe đạp có gắn động cơ 60cc còn xe kiểu mô-tô cơ bản là chiếc ASK với động cơ 98cc, một chiếc xe mô-tô khác theo mẫu mả anh quốc là chiếc PK-54 với động cơ 125cc, 5,5 mã lực, tốc độ tối đa 80 km/giờ và cân nặng 82 kilos. 

Photobucket
Chiếc Tohatsu 125 PK54BR trong một tạp chí ở Nhật Bản.

Năm 1955 có 3 kiểu xe mô-tô xuất xưởng Nagano là PA-55 (80cc, hộp số tự động), PK-55 (125cc) và TH-55 (200cc) và tên gọi theo năm sản xuất như PK-56 có nghiả là xe máy 125cc sản xuất năm 1956. Những năm sau, Tohatsu thêm vào những kiểu xe mới, chẳng hạn như Tohatsu GB (90cc).  Năm 1957 được xem là năm thành công nhất của Tohatsu, 80% số xe sản xuất được dân nhật chào đón. Tất cả các loại xe do Tohatsu sản xuất lúc bấy giờ được tiêu thụ trong nội địa nhật bản.

Photobucket
Xe Tohatsu 90cc sản xuất vào năm 1958.

Photobucket
Một chiếc xe gắn máy 50cc GB do Tohatsu sản xuất.

Đến năm 1958, Tohatsu mới chuyển sang sản xuất các loại xe 2 bánh với mẩu mã tân kỳ hơn là tiếp tục bắt chước theo mẩu mã các loại mô-tô âu châu - cũng như các hảng sản xuất xe 2 bánh nhật, Tohatsu khai thác kiểu xe mới dựa trên những thiết kế thuộc loại xe đua và thể thao.

Photobucket
Một chiếc Tohatsu Runpet CA-LD.

Photobucket

Photobucket
Chiếc Tohatsu Runpet trong một bảo tàng ở Nhật Bản.

Năm 1960, mặc dù chậm trể trong việc phát triển dòng xe 2 bánh mới, Tohatsu cho ra mắt kiểu xe với động cơ 50cc 2-thì, hộp số gồm 3 số được gọi là Pet Run Road hay gọi tắt là Runpet CA, là kiểu xe 2 bánh nhật loại thể thao đầu tiên với những thiết kế tân kỳ vào thời điểm ấy. Chiếc Runpet CA được giới trẻ ưa chuộng và thường dùng vào các cuộc đua xe tài tử ở Nhật Bản.

Photobucket
Chiếc Tohatsu Runpet CA vào năm 1961.

Photobucket
Một chiếc Tohatsu Runpet CA2 Trailmaster ở Hoa Kỳ.

Qua năm 1962, dòng xe Runpet có thêm những cải tiến với các kiểu xe CA2 Clubman và CA2 Trailmaster dùng để chạy đường đồng ruộng (crosscountry) - cũng cùng lúc, Tohatsu ra mắt các kiểu xe 250 TR, 125 LD và LE Sport (2 cylinders, động cơ 2-thì) và bắt đầu mạo hiểm vào các cuộc đua xe ở Nhật bản với các loại xe 50cc và 125cc.

Photobucket
Một xe Tohatsu 125 Arrows trong cuộc triển lãm Tokyo Motor Show.

Photobucket
Tohatsu 125 LA-2 trong brochure quảng cáo ở Nhật.

Cũng cùng lúc, Tohatsu theo bước chân của các hảng Honda, Suzuki, Yamaha… nhắm vào việc khuyến mãi sản phẩm của mình bằng cách tham dự vào các cuộc đua xe, trước tiên trong nội địa Nhật Bản và kế tiếp là tham dự vào một vài cuộc đua quốc tế. Hai kiểu xe đua 50cc và 125cc được chế tạo đặc biệt để tham dự các cuộc đua: Tohatsu 50 Twin 105Y và Tohatsu 125 Twin 106Y với động cơ 2 cylinders.

Photobucket
2 xe đua Tohatsu 105Y (50cc) và 106Y (125cc) đăng trên tạp chí vào thập niên 60.
Photobucket
Một bài viết về xe Tohatsu 50 Twin 105Y trong tạp chí Cycle Magazine.

Photobucket
Bộ máy Tohatsu 50 Twin 105Y.

Photobucket
Một xe đua Tohatsu 125 Twin 106Y ngày nay ở Hoà Lan.

Tuy nhiên không được thành công cho lắm, mặc dù với kỹ thuật cơ khí cao, Tohatsu thiếu yếu tố về việc tuyển mộ các tay đua lành nghề như Mike Hailwood, Raph Bryans, Hugh Anderson, Jim Redman, Hans-Georg Anscheidt, Luigi Taveri… đã đầu quân cho Honda và Suzuki.

Photobucket
Chạy thử nghiệm xe đua Tohatsu 105Y.

Photobucket
Chiếc Tohatsu 50cc 105Y do Dave Simmonds cầm lái trong một cuộc đua quốc tế.

Năm 1963, trên thị trường nội địa của Nhật, do những điều kiện an toàn giao thông bắt buộc ở Nhật Bản đối với những xe gắn máy vào thời điểm đó, Tohatsu cho ra mắt một chiếc xe gắn máy (moped) nhỏ nhất - dòng xe BC hay được gọi là Bell với động cơ 2-thì 35cc. Cũng cùng năm, Tohatsu ra mắt kiểu xe thử nghiệm ở Tokyo Motor Show với kiểu xe 90cc có 2 cylinders nằm ngang đối diện được xem là kiểu xe có nhiều cải tiến tân kỳ.

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Kiểu xe Tohatsu Bell BC với động cơ 35cc dành cho thị trường nhật bản.

Năm 1965 là bước ngoặc của Tohatsu về việc sản xuất xe 2 bánh có động cơ, mặc dù với kỹ thuật tân kỳ, công nghệ cơ khí cao; Tohatsu thất bại trong việc chinh phục thị trường ngoài nước Nhật Bản - Về mặt marketing yếu kém và chậm chân so với Honda, Suzuki… Về mặt thẩm mỹ, Tohatsu không bắt kịp các kiểu xe Honda, Suzuki và Yamaha với hình dáng trông bắt mắt, nước sơn bóng bẩy, thiết kế tân kỳ. Về mặt giá thành bán ra không thể cạnh tranh trực tiếp với các loại xe nhật khác, Tohatsu buộc phải đóng cửa khâu sản xuất xe 2 bánh trong năm sau đó.

Photobucket
Một chiếc Tohatsu Runpet Racer CR50 trong tình trạng hoàn hảo tại một buổi trưng bầy xe 2 bánh ở Nhật Bản.

Một số kỹ sư cơ khí đã sang làm việc cho công ty Bridgestone nơi mà họ tiếp tục cải tiến bộ máy 2-thì dùng van hút đĩa xoay vòng mà sau nầy công ty Yamaha đã áp dụng trong việc sản xuất xe mô-tô cở nhỏ với động cơ 2-thì cùng hệ thống xăng pha nhớt độc lập ‘Yamaha Autolube’ rút tỉa từ loại xe Tohatsu và Bridgestone (bình xăng và bình nhớt riêng, hổn hợp xăng và nhớt pha với nhau trong bộ chế hoà khí hoặc nhớt được bơm thẳng vào buồng đốt) và sau đó Honda và Suzuki cũng áp dụng vào các động cơ 2-thì.

Tohatsu Runpet 50 và Road Racer CR50
 
Có thể nói nhóm kỹ sư làm việc tại Takata Motor Research Institute rất nhiều khả năng sáng tạo trong việc thiết kế động cơ 2-thì 50cc và 125cc, so sánh với các thương hiệu nhật bản chuyên về loại động cơ nầy như Suzuki, Yamaha và Kawasaki thì Tohatsu đã đi trước một khoảng cách xa với loại động cơ dùng van hút đĩa xoay vòng (rotary valves) giúp cho việc vận hành máy có độ bền cao.

Photobucket
Xe Tohatsu Runpet CA1B sản xuất vào năm 1961.

Photobucket
Một xe Runpet CA1 và một Runpet CA-LD.

Chiếc Runpet ra đời vào cuối thập niên 50 có thiết kế khác với các loại xe 2 bánh nhật bản lúc đó, sườn xe chế tạo từ thép ống thay vì dùng lá thép rập thành khuôn như các loại xe Suzuki, Honda, Yamaha... Loại sườn xe thép ống chỉ dùng cho các loại xe mô-tô thiết kế động cơ có dung tích lớn hơn vì giá thành sản xuất cao và độ bền chắc hơn loại sườn bằng lá thép.

Photobucket
Kiểu xe Runpet CA2 và Runpet Racer CR50.

Runpet là loại xe gắn máy nhỏ với 4,7 mã lực, một hoặc hai chổ ngồi, bộ giảm chấn trước bằng lò-xo và vè chắn bùn biệt lập cho bánh trước và bánh sau, đợt Runpet đầu tiên vào thị trường hoa kỳ năm 1961 (Runpet CA) có ống khói vắt bên phải nhưng sau đó lại thiết kế ống khói nằm bên dưới chân cho kiếu Runpet 1962-1964 (CA2 Clubman) và ống khói vắt sau đó chỉ dành cho kiểu CA2 Trailmaster.

Photobucket
Một chiếc Runpet Racer CR50 được tân trang ngày nay.

Photobucket
Chi tiết bộ máy Tohatsu Runpet Racer CR đợt đầu tiên khoảng năm 1961.

Kiểu Runpet Sport CA2 ra mắt với nhiều cải tiến nhắm vào các thanh niên ưa chuộng tốc độ với động cơ 2-thì 1 cylinder, hộp số 3 số chân, 6 mã lực, nặng 64 kilos và tốc độ tối đa khoảng 95 Km/giờ.

Kiểu Tohatsu Runpet Racer CR50 là loại xe đua được Tohatsu sản xuất và bán rộng rãi ra thị trường, rất được chuộng bởi các tay đua xe tài tử trong nước Nhật cũng như ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Đó là một kiểu xe cải tiến từ xe Runpet CA với hộp số được chỉnh sửa thành 4 số, 6,8 mã lực, máy quay ở 10.500 vòng/phút, cân nặng 50,4 kilos và đạt tốc độ trên 100 Km/giờ.

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Xe Tohatsu Runpet Sport CA2 và chi tiết.

Ngoài ra kiểu xe dành cho các cuộc đua nhà nghề mà Tohatsu đã sản xuất như chiếc Tohatsu 50 Twin 105Y và Tohatsu 125 Twin 106Y, đã đạt một vài kỷ lục trên trường đua Suzuka ở Nhật Bản và Daytona ở Hoa Kỳ vào năm 1962. Kiểu 50cc 105Y với động cơ 2-thì mát máy bằng gió, nhớt và xăng được phun vào buống đốt bởi hệ thống bơm biệt lập, 2 cylinders, 9,2 mã lực, máy quay 12.300 vòng/phút, cân nặng 68 kilos. Tuy nhiên vào năm 1964, Tohatsu đã nhượng lại toàn bộ các thiết bị và máy móc sản xuất xe đua 2 bánh cho công ty Bridgestone (Sau đó chi nhánh sản xuất xe 2 bánh Bridgestone đã ngưng sản xuất xe vào năm 1971, mặc dù xe mô-tô Bridgestone đạt chất lượng và tiêu chuẩn cao, theo nguồn tin không chính thức thì tập đoàn Bridgestone bị áp lực của một số tập đoàn khác cũng sản xuất xe 2 bánh đành phải đóng cửa khâu sản xuất xe mô-tô, chỉ còn lại nhánh sản xuất xe đạp).

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Vài chiếc xe đua Tohatsu 50 Twin 105Y ngày nay ở Nhật Bản.

Ngày nay, tại Hoà Lan, Hoa Kỳ và Nhật Bản có rất nhiều người còn giử lại được những chiếc xe Tohatsu Runpet trong tình trạng tốt hoặc chế tạo lấy hoặc mua cơ phận rời để duy trì những chiếc xe cổ. Họ tổ chức những cuộc trưng bầy, những cuộc dạo chơi hoặc những cuộc đua xe cổ làm sống mãi với quá khứ và huyền thoại dòng xe 2 bánh Tohatsu.

Photobucket
Một xe Runpet Sport ngày nay tại Nhật Bản.

Photobucket
Một chiếc Runpet Sport được trưng bầy ở California, Hoa Kỳ.

Photobucket
Vài chiếc Runpet CR được chỉnh sửa trước khi tham dự một cuộc đua xe tài tử.

Photobucket
Một phóng viên phỏng vấn một tay đua ở Nhật Bản.

Photobucket

Photobucket
Một cuộc dạo chơi với những xe 2 bánh cổ ở Nhật Bản.

Có thể bạn quan tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.